thietkevhome.com noithatvhome@gmail.com 0965 197 222 facebook.com/thietkevhome

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Đám cưới chịu chơi của người trẻ giàu có Trung Quốc

Các công ty dịch vụ đám cưới mọc lên như nấm, với lượng khách hàng trong độ tuổi đôi mươi giàu có, sẵn sàng chi hàng trăm nghìn USD cho lễ cưới.
dam-cuoi-chiu-choi-cua-nguoi-tre-giau-co-trung-quoc
Xu hướng mới của các cặp đôi Trung Quốc là chụp ảnh cưới ở nhiều quốc gia, hay tổ chức đám cưới ở nước ngoài. Ảnh: Ling
Tháng 9 vừa qua, Sheng Zuxing và hôn phu Zhang Ping làm đám cưới ở Thiên Tân, một thành phố cảng phía nam Bắc Kinh với sự tham gia của 60  khách mời, theo BBC.
Giống nhiều đám cưới kiểu Tây, Sheng mặc váy trắng, có người đưa nhẫn cưới và phù dâu, cô thậm chí còn thuê hẳn một công ty chuyên tổ chức sự kiện cưới - điều mà một thập kỷ trước rất hiếm gặp ở Trung Quốc.
Đôi uyên ương cũng kết hợp nhiều phong tục truyền thống Trung Quốc như nhận hồng bao - phong bì tiền mừng cưới màu đỏ, và nổ pháo khi cô dâu chú rể đến nơi tổ chức đám cưới. Họ cũng giữ một phong tục phổ biến, đó là tân lang không được phép nhìn thấy tân nương cho đến khi "hối lộ" cho họ hàng của cô dâu, và trả lời những câu hỏi như nơi gặp gỡ đầu tiên hay nơi hai người cùng nhau dùng bữa đầu tiên.
"Trong đời chỉ cưới có một lần, và ai cũng muốn nó trở thành kỷ niệm đẹp", Sheng, 28 tuổi, nói. "Kết hôn là đại sự, do đó, tốn chút tiền và chụp thêm nhiều ảnh không thành vấn đề".
Sheng và Zhang đại diện cho kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp đám cưới Trung Quốc. Họ là những người trẻ trong tầng lớp trung thượng lưu ngày một tăng, sẵn sàng chi tiêu mạnh tay cho đám cưới lai giữa Trung Quốc truyền thống và phương Tây, với những bộ ảnh cưới hoành tráng và tiệc cưới xa hoa.
"Cô dâu nào ở Trung Quốc cũng muốn đi vào lễ đường trong chiếc váy trắng", Raul Vasquez, chủ tịch công ty WBC chuyên tổ chức đám cưới có trụ sở ở Bắc Kinh, cho biết. "Họ lấy cảm hứng từ phương Tây".
dam-cuoi-chiu-choi-cua-nguoi-tre-giau-co-trung-quoc-1
Đám cưới Trung Quốc pha trộn yếu tố phương Tây như váy cưới trắng, kèm hoa và phù dâu. Ảnh: Ling
Theo phân tích từ Báo cáo Phát triển Công nghiệp Đám cưới Trung Quốc, trung bình một đám cưới ở Trung Quốc tốn khoảng 12.000 USD, cao hơn 3.000 USD so với mức lương trung bình năm của người lao động thành thị năm 2014 là 8.900 USD. Ước tính, doanh thu từ ngành công nghiệp đám cưới năm 2015 ở Trung Quốc là 80 tỷ USD, tăng 40% so với 57 tỷ USD năm 2011.
Hãng nghiên cứu thị trường IBIS World ước tính, một nửa số cặp đôi kết hôn ở Trung Quốc sử dụng nhiều hình thức dịch vụ khác với phương Tây như chụp ảnh cưới. Cô dâu chú rể phương Tây thường chỉ chụp ảnh ngày đám cưới nhưng tại Trung Quốc, các cặp đôi thường phải trả tiền cho những buổi chụp ảnh dài ngày, đôi khi chụp ở vài nước, nhiều ngày trước khi lễ cưới diễn ra.
Chịu chi
Hai tháng trước đám cưới, Sheng và Zhang chi 790 USD để chụp ảnh trong 5 bộ trang phục khác nhau, với hậu cảnh là du thuyền, bãi biển và công viên. Họ dùng ảnh đó thay thiệp mời qua WeChat - ứng dụng tin nhắn phổ biển ở Trung Quốc, kèm theo nhạc nền lãng mạn.
WBC thành lập năm 2011, giờ có 350 nhân viên chuyên tổ chức đám cưới, trải rộng khắp 39 thành phố Trung Quốc. Vaquaz cho biết, trung bình, một cặp đôi chi khoảng 31.600 USD cho đám cưới. Khách hàng của họ thường ở tuổi đôi mươi, giàu có, dân văn phòng và ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải.
Đối tác của WBC là Weddings, một công ty Trung Quốc chuyên tổ chức tiệc cưới do Ling thành lập năm 2009. Công ty này từng phục vụ nhiều lễ cưới của giới sao Trung Quốc, như đám cưới 200 khách của nữ diễn viên Chen Shu tại Bắc Kinh cùng đám cưới khác gồm 20 người ở Bali, Indonesia. Ling cho biết, khách hàng thường chi 55.000 - 63.000 USD cho đám cưới.
"Tôi nhận thấy rằng, nhiều cô dâu không phù hợp với phong cách và dịch vụ của nhiều công ty tổ chức của Trung Quốc cung cấp", Ling, người từng học tổ chức đám cưới ở Mỹ, nhận xét.
"Đây là một trong những dịp quan trọng nhất trong đời người phụ nữ, do đó, họ có quyền tiếp cận với những nhà tổ chức đám cưới chuyên nghiệp nhất, giúp họ lên kế hoạch cho đám cưới khiến họ ghi nhớ suốt đời".
Năm ngoái, Ling đã lên kế hoạch đám cưới cho con gái của một trong những người giàu nhất Trung Quốc, tổ chức tại Myanmar với 2.000 khách tham gia. Guo Pei, nhà thiết kế thời trang Trung Quốc đã thiết kế váy cho cô dâu, và một nhà thiết kế hoa Hà Lan đã tạo ra khung cảnh tuyệt đẹp cho lễ cưới, với 20.000 bông hồng, hàng trăm đèn chùm, sân khấu có vũ công biểu diễn. Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Hong Kong CM Leung cũng được thuê để chụp ảnh từ lúc lên kế hoạch, chuẩn bị cho đám cưới, chụp ảnh cưới ở Fiji, cho đến tận ngày diễn ra hôn lễ.
Đám cưới đó tiêu tốn "hàng trăm nghìn USD", và mất 6 tháng để chuẩn bị, quả là một thử thách, Ling nói, vì đòi hỏi nhiều nước khác nhau tham gia công tác chuẩn bị. "Chúng tôi làm việc cùng nhau 14 tiếng một ngày, mỗi ngày họp hai lần để chỉnh sửa, sao cho cặp đôi ưng ý nhất", Ling nói.
dam-cuoi-chiu-choi-cua-nguoi-tre-giau-co-trung-quoc-2
Trung bình mỗi cặp đôi Trung Quốc chi khoảng 12.000 USD cho lễ cưới. Ảnh: Ling
Khác với đám cưới kiểu Tây, thường tổ chức vào ngày nghỉ, đám cưới Trung Quốc vẫn phải tuân theo một số phong tục truyền thống, như nhất quyết phải tổ chức theo ngày giờ thầy bói phán, bất luận ngày đó rơi vào thứ hai hay thứ bảy. Cặp đôi Trung Quốc không nhận tặng phẩm, mà nhận hồng bao.
Thời gian tổ chức ở mỗi vùng miền cũng khác nhau. Ở miền bắc, đa phần tổ chức từ sáng, đến trưa thì kết thúc còn ở miền nam như Thượng Hải, thường diễn ra từ chiều đến tối. Đám cưới của Shen và Zhang bắt đầu lúc 10h58, được coi là giờ lành, và kết thúc lúc 15h.
Một xu hướng khác là cô dâu, chú rể Trung Quốc tổ chức đám cưới nhỏ ở nước ngoài như Bali hay Thái Lan, hoặc tổ chức trên du thuyền. Năm ngoái, WBC đã hợp tác với Royal Caribbean thiết kế một đám cưới trên du thuyền sang trọng Mariner of the Seas.
Ngành công nghiệp lập kế hoạch cho đám cưới đang mọc lên như nấm, với hơn 100 công ty đăng ký mỗi năm riêng ở Bắc Kinh, theo Ủy ban Dịch vụ Cưới hỏi Công nghiệp Trung Quốc. WBC cũng điều hành một trung tâm đào tạo ở Sanlitun, khu phố trung tâm Bắc Kinh, với những khóa học ngắn hạn 12 ngày, học phí khoảng 3.300 USD.
Đám cưới của Sheng diễn ra tốt đẹp, khách mời lần lượt thưởng thức cá, sườn, rau và súp. Còn Sheng, cô thay chiếc váy thứ ba trong ngày, có màu đỏ, thân trên là kiểu xường xám truyền thống, chân váy xòe bằng vải tuyn, sau khi tiệc cưới kết thúc.
"Tôi rất hạnh phúc", Sheng nói, mắt nhìn chiếc nhẫn cưới. "Nó thật là đẹp
"

Quản gia - trang sức mới cho giới siêu giàu Trung Quốc

Nhu cầu thuê quản gia để khẳng định hình ảnh và sự giàu có của bản thân đang gia tăng ở Trung Quốc, nơi có nhiều tỷ phú nhất thế giới.
quan-gia-trang-suc-moi-cho-gioi-sieu-giau-trung-quoc
Đội ngũ giáo viên của trường đào tạo quản gia ở Trung Quốc. Ảnh: IBA
Trước khi được đeo vào tay đôi găng trắng, soi xem chén dĩa trên bàn ăn còn thiếu gì không, những người học nghề quản gia ở Trung Quốc phải nắm vững những điều cơ bản trước.
"Điều đầu tiên chúng tôi dạy họ là cách dùng dao nĩa", Christopher Noble, người đứng đầu bộ phận đào tạo của Học viện Quản gia Quốc tế Trung Quốc, cho hay. "Người phương Tây dùng chúng mỗi ngày, nhưng đối với học viên Trung Quốc, dao nĩa hoàn toàn xa lạ".
Là một nhánh của Học viện Quản gia Quốc tế có trụ sở ở Hà Lan, ngôi trường nằm ở phía tây nam Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên hy vọng đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp siêu giàu Trung Quốc và khát khao được giống tầng lớp quý tộc châu Âu.
"Downton Abbey", một bộ phim truyền hình Anh quốc về cuộc sống trong những gia đình giàu có, xung quanh là kẻ hầu người hạ, đang gây sốt ở Trung Quốc. Tin tức về chuyến viếng thăm nước Anh của Chủ tịch Tập Cận Bình tuần này, từ những bộ dao nĩa bạc tuổi đời hàng trăm năm, cho tới 20 đầu bếp chuẩn bị cho tiệc tiếp đón xa hoa do Nữ hoàng Anh tổ chức, được các phương tiện truyền thông cập nhật chi tiết cũng khiến dân tình xôn xao.
Nhà trường là liên doanh giữa học viện ở Hà Lan và công ty bất động sản Langji Thành Đô, cũng như chính những sinh viên đang làm việc ở khách sạn hoặc các công ty bất động sản, đang tìm cách cải thiện dịch vụ của họ, chứ không chỉ nhằm phục vụ các gia đình giàu có.
Noble cho biết, việc đào tạo bắt đầu từ dạy cách cười, dáng đứng, thậm chí cả vệ sinh cá nhân.
"Thẳng lưng lên, ưỡn ngực ra, mắt nhìn thẳng, không được nhìn xuống đất. Chúng tôi dạy cho học viên Trung Quốc rằng, họ phải nhận thức được rằng, mọi người trong căn phòng đang quan sát bạn".
Nhiều học viên chật vật khi mới đến, họ khó khăn lắm mới học được cách bày dao nĩa trên bàn ăn cho một bữa tối theo đúng tiêu chuẩn, ngoài ra, bất đồng ngôn ngữ cũng gây không ít khó khăn.
"Tôi có thể đặt một tách trà xuống trước mặt anh, với dáng vẻ vô cùng thanh lịch nhưng phải kèm theo sự hăng hái nhiệt tình, một phong cách rất khó nói nên lời", Noble nói.
Giáo trình ở đây gần như giống hệt ở Hà Lan, nhưng được chỉnh sửa cho phù hợp với Trung Quốc. Ngoài đồ Tây, học viên còn phải học cách lựa rượu Trung Quốc ngon, phục vụ đồ ăn Trung Quốc và trà.
quan-gia-trang-suc-moi-cho-gioi-sieu-giau-trung-quoc-1
Bày bàn ăn. Ảnh: IBA
Tuy nhiên, có một kỹ năng quan trọng không kém, là quản gia phải học cách kiểm soát bản thân sau nhiều giờ phục vụ ông bà chủ căng thẳng, Noble nhấn mạnh.
"Tỷ phú hay triệu phú không có nghĩa là người lịch thiệp. Do đó, quản gia phải biết thu mình, chăm sóc tâm hồn và cơ thể của mình".
Pu Yan, quản lý bộ phận bán hàng và tiếp thị của nhà trường cho biết, cho đến này, đã có 17 học viên tốt nghiệp và 9 người nữa sẽ bắt đầu khóa học tuần này.
Học viên tốt nghiệp có thể kiếm được 31.500 tệ một năm (khoảng 5.000 USD), nhưng nếu biết tiếng Anh và thuần thục nhiều kỹ năng cao cấp, họ có thể dễ dàng kiếm được gấp ba lần số ấy.
Cô cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái không có nghĩa là nhu cầu về dịch vụ quản gia suy giảm.
"Nhiều công ty đang trong giai đoạn chuyển tiếp, họ muốn tập trung cung cấp dịch vụ cho khách hàng tốt hơn so với đối thủ, biến khách hàng thành những người sử dụng dịch vụ trung thành".
Dan-Xia Bossard, giám đốc trung tâm tiếp thị Fletcher Knight, thấy không có lý do gì để giới siêu giàu Trung Quốc không thuê quản gia.
"Đó là một cách tiếp thị hình ảnh và sự giàu có tinh tế - để ai đó phục vụ mọi nhu cầu của bạn", Bossard nói.
Trung Quốc hiện có 596 tỷ phú, nhiều hơn Mỹ với 537 người. Thị trường Trung Quốc đầy khách hàng trẻ tiềm năng, vẫn cần học hỏi để phân biệt được sự khác nhau giữa một quản gia thực thụ và một trợ lý hay người giúp việc.
Wang Mingzhu từng làm nghề lên kế hoạch tổ chức đám cưới. Cô học xong khóa đào tạo quản gia hồi tháng 7, và đang làm việc trong công ty Bangduobao - chuyên tư vấn dịch vụ cho các gia đình giàu có.
Wang không nói kiếm được bao nhiêu tiền, chỉ nói là "rất nhiều". Đối với cô, phần khó nhất của khóa học là học hỏi về vang đỏ.
"Có quá nhiều thứ phải học, ví dụ như các chủng loại nho, các nhà máy ủ rượu, hay phương pháp làm rượu", Wang nói. Cô xem "Downton Abbey" hàng tuần. Wang xác định đây sẽ là sự nghiệp cả đời, có triển vọng hơn nhiều so với nghề lập kế hoạch đám cưới, vì người ta chỉ thích những người trẻ trung lập kế hoạch cho họ.
Wang cho biết, nghề này khiến khách hàng nhìn cô bằng con mắt khác, đầy kính trọng và thiện cảm.
"Ở Trung Quốc, nghề dịch vụ thường mang tính tiêu cực. Mọi người cho rằng phải phục vụ ai đó nghĩa là bạn thấp kém. Tuy nhiên, điều này không tồn tại trong suy nghĩ của người phương Tây. Tất cả mọi người đều bình đẳng, cho dù bạn là người phục vụ hay người được phục vụ đi nữa".
quan-gia-trang-suc-moi-cho-gioi-sieu-giau-trung-quoc-2
Dùng thước đo khoảng cách chính xác giữa các ly rượu. Ảnh: AFP.

Popular Posts

Được tạo bởi Blogger.